Chat hỗ trợ
Chat ngay
Chuyên Mục Tin tức

Trồng và chăm sóc cây vải, nhãn: Cải tạo vườn vải, nhãn

Xin cảm ơn!

1. Tính cấp thiết của việc cải tạo vườn đối với người trồng vải, nhãn

Từ thực trạng vườn vải, nhãn hiện nay cho thấy nhu cầu cải tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm 2 loại cây ăn quả (trái) này là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tình trạng không đồng đều về giống, không thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật thâm canh, chăm bón tùy tiện đã dẫn đến sự chênh lệch khá lớn về năng suất và chất lượng sản phẩm. Do đó thu nhập của người làm vườn thấp, không có điều kiện đầu tư thâm canh tiếp tục.

Người làm vườn cần chủ động cải tạo để vườn cây ăn quả nhà mình có năng suất cao, chất lượng tốt, đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, làm tăng thu nhập cho gia định và góp phần cải thiện môi trường sinh thái.

Để cải tạo vườn vải, nhãn được tốt người làm vườn cần có:

– Hiểu biết về kiến thức chuyên môn của nghề vườn, mà đối tượng chính là cây vải và cây nhãn.

– Nắm được chủ trương chính sách phát triển kinh tế của địa phương, của ngành nông nghiệp về chính sách phát triển cây ăn quả mà đặc biệt là cây vải, nhãn.

– Phải có nguồn lực về tài chính nhất định để đầu tư và cải tạo vườn.

– Phải có thông tin kinh tế về thị trường cây ăn quả nói chung, cây vải, cây nhãn nói riêng.

2. Nội dung và phương pháp cải tạo vườn vải, nhãn

2.1. Những việc cần chú ý khi cải tạo vườn

Cải tạo vườn là việc làm không dễ dàng và không phải chỉ làm trong một thời gian ngắn. Trong những năm qua đã có nhiều địa phương có phong trào cải tạo vườn cây ăn trái, nhưng không ít nơi nóng vội, làm ồ ạt, ít chú ý đến cải tiến chất lượng và cơ cấu cây trồng trong vườn, cải tạo, bồi bổ dinh dưỡng đất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đối với vườn cây ăn quả nên hiệu quả không cao. Vì vậy để làm tốt công tác cải tạo vườn cần:

– Phân tích đánh giá hiện trạng tình hình sinh trưởng, phát triển, năng suất vườn cây, chú ý đến từng loại giống trong vườn. Phân tích điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn nước, phân bón, sâu bệnh hại có ảnh hưởng đến sinh trưởng, khả năng ra hoa đậu quả của cây trồng. Đánh giá nguyên nhân và các yếu tố chính ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

– Xem xét đến các yếu tố kỹ thuật, thông tin thị trường, sức tiêu thụ sản phẩm dẫn đến thu nhập thấp của vườn cây.

– Xây dựng kế hoạch cải tạo vườn vải, nhãn gồm:

+ Cải tạo cơ cấu cây vải, nhãn trong vườn;

+ Cải tạo giống vải, nhãn trong vườn;

+ Cải tạo đất vườn và hệ thống tưới tiêu;

+ Cải tiến kỹ thuật canh tác.

2.2. Nội dung cải tạo vườn vải, nhãn

2.2.1. Về giống

(Xem bài các giống vải ngon phổ biến ở Việt Namcác giống nhãn ngon phổ biến ở Việt Nam)

– Kiểm tra xác định các giống vải, nhãn hiện có trong vườn, xác định cây nào, giống nào cần được cải tạo, chặt bỏ hoặc giữ lại.

– Xác định giống vải, nhãn cần được đưa vào cải tạo: giống đưa vào cải tạo phải là giống ngon, có chất lượng tốt, năng suất ổn định, ít sâu bệnh và có khả năng rải vụ.

– Xác định cây cần cải tạo:

+ Đối với cây đã xác định cho là ngon, năng suất cao cần được giữ lại và tiến hành các bước cải tạo như sau:

– Cắt tỉa cành hàng năm: Dùng kéo cắt bớt cành trong tán, cành vượt, cành bị sâu bệnh, cành tăm. Việc cắt tỉa phải được tiến hành sau khi thu hoạch quả hàng năm. Cắt tỉa hàng năm sẽ tạo lại dáng cho cây, tán cây có hình mâm xôi đều về 4 hướng.

– Bón phân: Sau khi cắt tỉa xong phải tiến hành bón phân ngay, bón phân xung quanh tán cây. Dưới hình chiếu của tán, dùng cuốc, xẻng đào sâu khoảng 20 – 25 cm, rộng 25 – 30 cm xung quanh tán.

Sau đó dùng phân hữu cơ hoai mục (khoảng 25 – 30 kg/cây) trộn lẫn với phân hỗn hợp NPK (0,5 – 1 kg/cây) bón đều vào rãnh đã đào, lấp kín đất. Có thể dùng phân pha loãng, phân vi sinh tưới trực tiếp vào rãnh xung quanh tán cây.

+ Những cây trồng nhiều năm không ra quả hoặc ra quả ít.

+ Đối với những cây xác định là ngon nhưng có tuổi cao, có biểu hiện già cỗi thì tiến hành đốn trẻ lại.

+ Đối với những cây có quả nhưng chất lượng kém hoặc không ra quả

Loại cây này cần được cải tạo, thay thế bằng các giống khác có phẩm chất ngon, năng suất ổn định. Phương pháp cải tạo là:

Ghép cải tạo giống mới lên trên giống cũ theo phương pháp ghép nối cành hoặc cưa đốn thấp cây cách mặt đất khoảng 1,5 m – 2,0 m tùy từng vườn cây, để cho gốc cây bật mầm mới, chăm sóc mầm cho tới khi đủ điều kiện ghép cải tạo.

Dùng cành ghép từ những cây khỏe mạnh, không sâu bệnh, có năng suất ổn định, phẩm chất tốt để ghép lên những cây cải tạo. Sau khi đốn, ghép cải tạo phải chú ý đến bổ sung dinh dưỡng, phòng trừ sâu bệnh cho cây.

Ngoài việc bón phân qua rễ hàng năm, cần bón bổ sung dinh dưỡng qua lá bằng các loại phân như Atonik, Komic… theo hướng dẫn ghi trên nhãn sản phẩm. Phương pháp này thường đem lại hiệu quả cao, cây sớm cho quả hơn so với trồng mới.

+ Những cây ra quả nhưng quả nhỏ, mẫu mã xấu, chất lượng quả kém, cùi mỏng hoặc nát, hạt to…

+ Những cây không có khả năng phục hồi. Ví dụ bệnh chồi rồng ở cây nhãn.

Đối với những cây già cỗi, bị nhiễm bệnh, bị sâu hại không có khả năng phục hồi, không còn khả năng cho quả thì nên chặt bỏ, đào hết rễ của cây cũ, cải tạo đất.

Có thể dùng vôi bột để xử lý mầm bệnh có từ rễ cây cũ, phơi đất khoảng 20 – 25 ngày sau đó đào hố trồng cây mới có phẩm chất ngon, năng suất ổn định, được thị trường chấp nhận. Phương pháp này sẽ cho thu hoạch sau từ 3 – 4 năm.

2.2.2. Về đất vườn và hệ thống tưới tiêu

Nhìn chung các vườn vải, nhãn đất đều không được bồi bổ cải tạo thường xuyên. Hàng năm lượng phân bón hữu cơ cho cây rất thiếu, phân vô cơ bón vừa thiếu vừa không hợp lý, thiếu lân, vôi khử chua, thiếu nguyên tố vi lượng khiến hệ vi sinh vật trong đất hoạt động khó khăn, không đủ chất dinh dưỡng cho cây. Hậu quả là vườn cây ngày một già cỗi và thoái hóa.

Ở các vườn vải, nhãn hệ thống tưới tiêu cũng không được hoàn chỉnh, về mùa khô không giữ được độ ẩm cho cây, về mùa mưa cây bị ngập úng do thoát nước khó khăn, sâu bệnh tăng lên làm cho sinh trưởng kém, năng suất thấp, thậm chí còn làm cho cây bị chết.

Vì vậy phải thường xuyên bồi bổ làm tăng độ mùn trong đất là rất cần thiết bằng biện pháp tăng cường bổ sung phân hữu cơ cho cây, bổ sung đất phù sa, đất ao cho vườn. Khơi thông mương rạch để mùa mưa nước không bị ngập úng. Phải có hệ thống mương máng, ao tích nước tưới trong mùa khô hanh.

2.2.3. Về kỹ thuật canh tác cây vải, nhãn

Cùng với việc sử dụng giống tốt, sạch bệnh, cần chú trọng tới biện pháp canh tác, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh phù hợp với từng giống cây từ khâu làm đất, đào hố, mật độ trồng đến việc bón phân, tưới nước, tỉa cành tạo tán, bảo vệ thực vật, trồng xen, trồng gối, thu hoạch và bảo quản.

Chủ vườn cần căn cứ vào điều kiện khí hậu, đất đai, tập quán canh tác, thị hiếu người tiêu dùng, khả năng tiêu thụ sản phẩm của từng vùng để điều chỉnh cho phù hợp.

3. Áp dụng kỹ thuật mới vào cải tạo vườn vải, nhãn

3.1. Đốn tỉa cành tạo hình cho cây (Xem bài Bón phân, tưới tiêu, tạo tán và bảo vệ quả)

3.1.1. Một số nguyên tắc về tỉa cành tạo hình cho cây vải, nhãn

– Điều tiết hình dạng, kích cỡ cây sao cho đạt hiệu suất quang hợp tối ưu, tăng số cành hữu hiệu (cành có khả năng mang quả) giảm cành vô hiệu, cành khô chết, cành sâu bệnh trong tán, dễ dàng áp dụng các biện pháp canh tác khác và thu hoạch quả.

– Điều tiết sinh trưởng cây tập trung vào các bộ phận quan trọng nhất của mỗi thời kỳ sinh trưởng nhằm đạt đến mục đích cuối cùng là năng suất cao, phẩm chất tốt.

  • Ưu điểm của kỹ thuật tỉa cành tạo hình cây

– Sử dụng công lao động một cách hiệu quả.

– Tạo cho tán cây phát triển đầy khoảng cách trồng sớm, hiệu suất đơn vị diện tích lá/đơn vị diện tích đất đạt mức tối đa sớm, và kết quả là cho quả mang tính kinh tế sớm sau khi trồng.

– Cải thiện hiệu suất quang hợp của lá, tận dụng tối ưu nguồn ánh sáng, tăng năng suất/đơn vị diện tích và tăng phẩm chất quả.

– Luôn giữ ổn định số cành có khả năng cho quả ở mức độ tối ưu/tán lá.

– Tăng hiệu quả của nguồn vốn đầu tư.

3.1.2. Kỹ thuật tỉa cành cây vải, nhãn

(Xem bài Bón phân, tưới tiêu, tạo tán và bảo vệ quả)

Tỉa cành có liên quan mật thiết với tạo hình, mục đích của tạo hình và tỉa cành là làm cho các cành chính và cành nhánh phân bố đều, khung cành có kết cấu vững chắc phù hợp với đặc tính vốn có của cây và điều kiện ngoại cảnh cũng như trình độ canh tác của địa phương, làm cơ sở cho việc nâng cao và ổn định năng suất.

Tỉa cành là công việc được tiến hành hàng năm sau mỗi vụ thu hoạch. Song để việc tỉa cành có hiệu quả cao cần phải xem xét đến đặc thù của từng loại cây, đến vị trí hình thành chùm hoa, chùm quả mà quyết định tỉa cành tạo tán cho phù hợp.

Việc tỉa cành tạo tán đối với cây cho chùm hoa ở đầu cành (như nhãn, vải, xoài và cây có múi) không thể rập khuôn như cây cho hoa, cho quả ở trên thân như mít, cho hoa, quả ở nách lá như hồng xiêm hay cho hoa quả ở nách lá, ở trên đoạn dưới của các cành già hoặc ở đỉnh của cành năm trước như na. Song nhìn chung đa số các cây ăn quả phát triển chùm hoa, mang quả ở trên đầu cành hoặc nách lá.

  • Mục đích của việc tỉa cành là

– Tạo cho cây có bộ khung khoẻ mạnh.

– Lập những cành mang quả, trẻ, dồi dào sinh lực và phân bố giống nhau trên khung (sườn) và cành mẹ (cành chính).

– Thay thế những cành già, loại bỏ cành sâu bệnh, cành chết, cành vô hiệu…không có khả năng cho quả bằng những cành non trẻ trong những năm tiếp theo.

– Loại bỏ những cành đan chéo nhau, những cành vượt trong thời kỳ cây đang mang quả nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng với quả.

Kỹ thuật tỉa cành, tạo tán không đòi hỏi vốn đầu tư lao động chuyên môn cao, tuy nhiên cần có kiến thức căn bản và kinh nghiệm áp dụng qua thời gian cho từng loại cây chuyên biệt là rất cần thiết.

Việc quản lý, điều tiết bộ khung, tán của cây trồng cần phải được quan tâm, áp dụng như là một trong những biện pháp căn bản hài hòa cùng với các biện pháp bắt buộc khác như: làm cỏ, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh…

3.2. Đốn trẻ lại cho vườn vải, nhãn

Khi vườn cây đã già, đất đã kiệt, bộ rễ cung cấp không đủ nhựa nguyên cây sinh trưởng kém cho năng suất thấp thường có 2 giải pháp: Phá đi trồng lại hoặc đốn trẻ lại.

Đốn trẻ lại là biện pháp có hiệu quả kinh tế cao hơn, ít tốn kém hơn so với trồng mới, nhanh cho thu hoạch quả và sản lượng sớm ổn định hơn. Biện pháp này thường được tiến hành dần từng khu vực trong vườn để vườn cây thường xuyên có thu hoạch hàng năm.

3.2.1. Một số nguyên tắc về đốn trẻ lại cho cây vải, nhãn

– Thường áp dụng cho những vườn vải, nhãn có các đặc điểm chủ yếu sau:

+ Có tuổi cao trên 10 năm không có biểu hiện bị các bệnh nguy hiểm, có biểu hiện già cỗi, thân tán quá rậm rạp và cao.

+ Có chất lượng quả tốt, tiềm năng năng suất cao hoặc những cây đầu dòng để khai thác mắt ghép.

– Thời vụ đốn: Chỉ nên đốn vào mùa sinh trưởng của cây. Thời vụ đốn tốt nhất là các tháng mùa xuân và mùa hè trong năm.

3.2.2. Kỹ thuật đốn trẻ lại

Hạ thấp chiều cao cây còn 1 -1,5 m, giữ lại một số cành nhỏ có lá trên đoạn cây còn lại để lá tiếp tục quang hợp tạo điều kiện cho cây ra cành, tán mới. Các cành giữ lại này gọi là cành thở.

Cành thở có hai nhiệm vụ quan trọng. Một là bốc thoát hơi nước qua lá để tạo động lực hút nước và hút khoáng của bộ rễ; hai là quang hợp để cung cấp chất hữu cơ nuôi sống bộ rễ.

Nếu không có các cành thở này cây có thể bị chết vì mất cân bằng nước. Bộ rễ sẽ bị “đói”, lực hút nước yếu ớt làm cột nước tụt thấp dần, đoạn thân phía trên sẽ bị chết khô và lan dần xuống gốc cây.

Sau khi cưa xong, gọt nhẵn vết cưa bằng dao sắc, bôi vôi hoặc booc đô đậm đặc lên vết cắt. Vết cưa phải nghiêng cho thoát nước, tránh bị thối. Khi mầm mới mọc lên sẽ tạo thành khung tán mới.

Bộ khung tán mới này có ưu thế sinh trưởng, phát triển cao hơn bộ khung tán cũ. Con đường vận chuyển trong cây được rút ngắn lại (chiều cao cây thấp hơn) nên sự vận chuyển các chất trong cây cũng thuận lợi hơn. Vườn cây sau đốn, kết hợp với chăm sóc, bón phân mầm non sẽ cho quả to hơn, năng suất sẽ cao hơn.

3.3. Ghép cải tạo vườn cây vải, nhãn

3.3.1. Đặc điểm của việc ghép cải tạo

Hiện nay một số diện tích cây vải, nhãn được trồng bằng hạt hoặc một số giống chất lượng kém như: tỷ lệ cây có năng suất thấp, quả nhỏ hoặc bị nhiễm sâu bệnh nặng chiếm khá cao trong các vườn, hình thành nên các vườn cần cải tạo.

Để thay thế những cây trồng không hiệu quả người ta có thể trồng lại bằng cây con khác, nhưng biện pháp này mất nhiều thời gian. Muốn thúc đẩy nhanh việc thay đổi một cách cơ bản các giống xấu, làm tăng hiệu quả kinh tế, hạ giá thành sản phẩm thì biện pháp ghép cải tạo là một giải pháp kỹ thuật hữu ích.

Đốn trẻ lại cho cây vải thiều

Đốn trẻ lại cho cây vải thiều

Các vườn cây kém hiệu quả, vào mùa xuân đốn hết các cành trên cây. Tuỳ từng cây mà đốn cao hay thấp. Mục đích là để chúng phát triển các cành mới thuận lợi nhất để làm cành ghép.

Khi các cành đã phát triển đến độ bánh tẻ thì lấy mắt ghép ở các giống mới có chất lượng và năng suất cao ghép vào các cành trên. Cách ghép và các thao tác kỹ thuật giống như cách ghép bình thường.

Sử dụng gốc già để làm gốc ghép thì cành ghép phát triển khoẻ hơn nhiều so với ghép vào cây non, lại mau cho quả và sai. Tính trội hoàn toàn nghiêng về mắt ghép và điều quan trọng là không hề bị thoái hoá qua các năm, không phải phá cây cũ trồng cây mới.

  • Ưu điểm của việc ghép cải tạo

– Tạo được giống có chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu người sản xuất.

– Rút ngắn thời gian từ trồng đến cho quả. Thời gian cây ra hoa kết quả được rút ngắn lại so với cây trồng từ ban đầu. Thời gian cây ghép cải tạo ra quả lần đầu chỉ từ 1 – 2 năm tùy theo giống. Ví dụ mô hình ghép cải tạo vườn vải thiều ở Lục Ngạn Bắc Giang có kết quả rất tốt: tỷ lệ ghép sống đạt từ 76,5 đến 82,2%, cành ghép sinh trưởng khỏe, chỉ sau 1 năm chiều dài đã đạt từ 126 đến 135cm, đường kính đạt 2,6 – 2,7cm; năng suất trung bình trên toàn bộ diện tích ghép cải tạo đạt 8 – 10kg/cây, tương đương 2,4 – 3 tấn/ha (năm đầu); một số vườn cho thu hoạch 30kg/cây.

– Có khả năng rải vụ giữa các giống chín sớm, chín muộn làm tăng hiệu quả sản xuất.

– Tiết kiệm công lao động và vốn đầu tư ban đầu.

3.3.2. Kỹ thuật ghép cải tạo cây vải, nhãn

– Thời vụ ghép cải tạo: Thường vào vụ xuân và vụ thu. Thời gian ghép thích hợp nói chung vào 2 thời điểm: tháng 4 – 5 và tháng 8 – 9.

Tuy nhiên, nên tiến hành ghép cải tạo ngay sau khi thu hoạch quả 1 tháng (tháng 7 với vải thiều, tháng 8 với nhãn Bắc) sẽ cho tỷ lệ cây sống cao nhất, mầm ghép sinh trưởng phát triển tốt trước khi bước vào vụ đông lạnh.

Với những cây dưới 8 năm tuổi sẽ ra hoa, đậu quả sau ghép từ 17 – 18 tháng; những cây trên 8 năm tuổi sẽ cho vụ quả đầu tiên trên 2 năm sau ghép cải tạo do phải đốn đau để tạo tán mới.

– Tạo cành gốc ghép: Có 2 cách tạo cành gốc ghép

+ Đối với cây dưới 8 tuổi, thấp cây, phân nhánh ít, ở nơi dễ bắc thang, ghế để đứng ghép thì tiến hành ghép trực tiếp trên đầu cành.

+ Đối với cây già cỗi, cây cao, tán lá xum xuê, những cây ở vị trí khó thế đứng để thao tác ghép thì tiến hành cưa cành hoặc thân để tạo chồi trước khi ghép từ trên 3 – 4 tháng. Cưa xong bôi vôi vào vết cắt nhằm tránh sâu bệnh thâm nhập.

Chú ý: Chỉ cưa đốn 2/3 số cành trên cây, còn để lại 1/3 số cành để cây có thể quang hợp bình thường (gọi là cành thở). Số cành còn lại này sẽ cưa và ghép cải tạo vào vụ sau.

+ Chăm sóc vườn cây trước khi ghép 1 tháng bằng cách cắt tỉa, bón thêm phân, tưới nước đầy đủ. Phòng trừ sâu bệnh tốt nhằm đảm bảo tỷ lệ cây sống cao, cành ghép sớm nẩy chồi và sinh trưởng nhanh.

– Cắt cành ghép từ những cây mẹ khỏe mạnh đã được tuyển chọn, cho năng suất cao, chất lượng tốt và ổn định trong nhiều năm.

Ví dụ ở Lục Ngạn Bắc Giang đã rất thành công mô hình ghép thay giống vải chín chính vụ bằng các giống chín sớm như: Hùng Long (sớm hơn 15 ngày), Bình Khê (20-25 ngày), Yên Hưng, Yên Phú (15-18 ngày), Phúc Hòa 20-22 ngày) v.v…

Mắt ghép lấy trên các cành bánh tẻ, lá đã thành thục, có độ tuổi từ 50-120 ngày tuổi.

Ghép cải tạo vải thiều

Ghép cải tạo vải thiều

– Cách ghép: Áp dụng phương pháp ghép đoạn cành (kiểu ghép nêm chẻ lệch) cho cả các cây dưới 8 năm tuổi (ghép trực tiếp đầu cành) và cây trên 8 năm tuổi (cưa đốn để tạo chồi mới rồi mới ghép cải tạo).

Với cây dưới 8 năm tuổi, chọn và định vị trí cành ghép phân bố đều các hướng; không chọn ghép các cành la, cành trệt hoặc các cành ở trung tâm tán. Trên mỗi cây, chọn từ 68 -73% số cành phân bố đều xung quanh tán để ghép.

Dùng kéo sắc hoặc dao nhỏ cắt toàn bộ cành để ghép ở vị trí có đường kính từ 1,2 – 2cm sao cho sau khi ghép bộ tán mới này sẽ có hình bán cầu dẹt, có độ cao hợp lý, thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hái quả.

Số cành không ghép tạm thời để lại làm “cành thở”. Với cây trên 8 năm tuổi, cưa hết các cành cấp 1 cách mặt đất khoảng 1,5m, chờ cho các chồi mọc đủ tiêu chuẩn (đường kính 1,5 – 2cm) mới tiến hành ghép như cách trên.

Trên mỗi đầu cành đã cưa đốn sẽ nẩy ra nhiều chồi mới nhưng chỉ chọn ghép cho 2 – 3 chồi to, khỏe mọc phân đều về các hướng để làm cành chính, giữ lại các chồi khác nuôi cây đến khi chồi ghép đã phát triển tốt mới loại bỏ hết các chồi không ghép này.

– Chăm sóc sau ghép: Chú ý phòng trừ kiến cắn thủng dây ghép làm hỏng mắt ghép bằng cách phun các loại thuốc trừ sâu thông dụng.

Khi cành ghép đã nẩy chồi, vặt bỏ hết các chồi vượt khác mọc từ gốc ghép để tập trung dinh dưỡng nuôi cành ghép. Sau khi cành ghép đã nẩy được 2 đợt chồi, bóc bỏ dây nilon cho cây mọc khỏe.

Khi cành ghép đã nẩy được đợt chồi thứ 3, loại bỏ dần các cành không được ghép (cành thở), lúc này bộ tán của cây mới ghép hoàn toàn là giống mới. Trong khoảng 5 – 7 ngày sau ghép chúng ta không nên tưới nước ngay, nếu tưới dễ làm cho chồi ghép bị thối hoặc khó nẩy chồi.

Khi thấy chồi ghép lá đã chuyển sang mầu xanh tiến hành tưới nước, chăm sóc bình thường, đặc biệt nên hòa phân chuồng hoai + 5% đạm urê để tưới cho cây sinh trưởng nhanh. Công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh được duy trì bình thường theo qui trình.

Mô hình ghép nhãn trên gốc vải thiều

Mô hình ghép nhãn trên gốc vải thiều

Mô hình ghép nhãn trên gôc vải thiều (giai đoạn quả xanh) của gia đình ông Lê Thế Hơn ở Hồng Giang Lục Ngạn Bắc Giang.

Mô hình ghép nhãn trên gốc vải thiều (giai đoạn quả xanh) của gia đình ông Lê Thế Hơn ở Hồng Giang Lục Ngạn Bắc Giang.

Mô hình ghép nhãn trên gôc vải thiều (giai đoạn quả chín) của gia đình ông Lê Thế Hơn ở Hồng Giang Lục Ngạn Bắc Giang.

Mô hình ghép nhãn trên gốc vải thiều (giai đoạn quả chín) của gia đình ông Lê Thế Hơn ở Hồng Giang Lục Ngạn Bắc Giang.

Related posts

Leave a Comment